CÁC DẠNG BÀO CHẾ THUỐC < Phần 3>_THUỐC DẠNG RẮN

V. THUỐC DẠNG RẮN


Viên nén, viên nang cứng/mềm, bột thuốc, cốm thuốc...Một số dạng thông dụng như:

a) VIÊN NÉN

Viên nén là dạng thuốc rắn, mỗi viên là một đơn vị phân liều, dùng để uống, nhai, ngậm, đặt hoặc hòa với nước để uống, để súc miệng, để rửa…. Viên nén chứa một hoặc nhiều dược chất, có thể thêm các tá dược được nén thành khối hình trụ dẹt; thuôn hoặc các hình dạng khác.

ƯU ĐIỂM:

  • Đã phân liều tương đối chính xác
  • Gọn nhẹ, dễ dàng vận chuyển và mang theo người
  • Dễ che dấu mùi vị khó chịu của dược chất
  • Dược chất ổn định, tuổi thọ dài hơn dạng thuốc lỏng
  • Diện sử dụng rộng: có thể nuốt, nhai, ngậm, cấy, pha thành dung dịch, hỗn dịch hay chế thành dạng tác dụng kéo dài
  • Người bệnh dễ sử dụng

 NHƯỢC ĐIỂM:

  • Sau khi dập thành viên, diện tích bề mặt tiếp xúc bị giảm do đó nếu bào chế không tốt sẽ làm giảm sinh khả dụng của thuốc
  • Sinh khả dụng của viên nén thay đổi thất thường do trong quá trình bào chế, có rất nhiều yếu tố tác động đến độ ổn định của dược chất và khả năng giải phóng dược chất của viên như: độ ẩm, nhiệt độ, tá dược, lực nén,…
  • Khó sử dụng cho những bệnh nhân khó nuốt, nhất là người cao tuổi và trẻ em và khi viên nén có khối lượng lớn
    Ngoài viên dạng nén thông thường, ta còn có các dạng viên nén khác như : viên bao, viên sủi, viên ngậm, viên nhai...

Viên bao:

Viên bao là một dạng thuốc ở dạng viên nén được bao thêm một lớp màng thích hợp nhằm mục đích che giấu mùi vị khó chịu của dược chất, tránh được các tác động bên ngoài, bảo vệ thuốc không bị dịch vị phá huỷ (ko cho viên tan trong dịch dạ dày, chỉ tan khi ở ruột. Nhờ bao phim, thuốc không bị dịch vị ở dạ dày phân hủy và do đó không gây tổn hại niêm mạc dạ dày.), hay kiểm soát sự giải phóng dược chất (giúp giải phóng thuốc chậm).

Viên sủi

Viên sủi là một loại viên nén khi dùng chuyển thành dạng lỏng (dung dịch hoặc hỗn dịch) để uống hoặc dùng ngoài. Đây là dạng bào chế khắc phục các nhược điểm của viên nén.Tá dược tạo sủi thường là muối kiềm và acid hữu cơ, giải phóng khí CO2 khi hòa tan vào nước. Trong khoảng thời gian ngắn (dưới 5 phút), viên sủi được hòa tan hoàn toàn trước khi đưa vào cơ thể theo đường uống, do đó lượng khí CO2 bay hơi gần như hoàn toàn nên không ảnh hưởng đến dạ dày.

ƯU ĐIỂM:

  • Tác dụng nhanh, tăng sinh khả dụng do dược chất được giải phóng, hòa tan sẵn trước khi uống.
  • Người dùng sẽ dễ dàng sử dụng hơn, nhất là các đối tượng khó nuốt, trẻ em, người cao tuổi
  • Giảm kích ứng niêm mạc cho một số dược chất, tăng sinh khả dụngcho một số viên nén, che giấu mùi vị,
  • Giảm kích ứng đường tiêu hóa do dược chất được pha loãng trước khi uống, tạo thành dạng dung dich hoặc hỗn dịch
  • Thuốc đã được chia liều chính xác
  • Có thể phối hợp nhiều thành phần có hoạt tính
  • Phối trộn được hương vị giúp bệnh nhân giảm được nỗi lo sợ khi sử dụng thuốc

 NHƯỢC ĐIỂM:

  • Hàm lượng tạp chất cao
  • Viên phải được điều chế và bảo quản trong điều kiện tránh ẩm do chứa một lượng muối kiềm khá lớn (natri carbonat, natri hydrocarbonat, kali carbonat) nên viên sủi không dùng cho người kiêng muối, một số trường hợp viên sủi gây kiềm hoá máu làm ảnh hưởng đến hấp thu một số chất

Viên ngậm

Điều chế bằng đường kết hợp với một số thuốc, có khi còn thêm “gôm” cho viên thuốc được dai hơn. Khối lượng trung bình khoảng 1g. Viên ngậm thường được dùng để sát khuẩn, chông viêm trong khoang miệng. Dược chất được phóng thích từ từ.

Viên ngậm dưới lưỡi

Viên ngậm dưới lưỡi thường được dùng khi cần tác dụng nhanh của thuốc hoặc tránh sự phân huỷ ở dịch vị và ở gan. Dược chất phải được phóng thích nhanh, và nhanh chóng cho tác dụng toàn thân.

Viên nhai

Viên tác dụng kéo dài

Viên tác dụng kéo dài thường chứa lượng dược chất cao hơn bình thường và giải phóng từ từ lượng dược chất này trong đường tiêu hoá để kéo dài tác dụng của thuốc, giảm số lần sử dụng thuốc. Thường sinh khả dụng của dạng thuốc này, phụ thuộc nhiều vào thời gian lưu trú tại dạ dày vì nếu thuốc nằm tại dạ dày lâu qua thì vỏ bao sẽ rã ngay dưới tác dụng của dịch vị và ngược lại. Do đó, để đảm bảo tác dụng của thuốc, nên uống xa bữa ăn trừ những thuốc kích ứng dạ dày.

 

b) VIÊN NANG

Viên nang hay viên con nhộng là dạng thuốc rắn hay mềm được phân liều chính xác và được bào chế dưới dạng thích hợp (dung dịch, bột, hạt) đựng trong vỏ nang làm bằng gelatin hay tinh bột. Với dạng bào chế này, thuốc có thể che giấu được mùi vị khó chịu, làm cho thuốc dễ uống, tránh được các tác động bên ngoài, bảo vệ thuốc không bị dịch vị phá huỷ. Vì vậy, không nên nhai để tránh làm hỏng vỏ nang, không tách bỏ vỏ nang để lấy phần dược chất bên trong để uống. Riêng đối với người lớn tuổi, phản xạ nuốt có thể giảm và có hiện tượng giảm tiết nên khi uống, ngậm viên thuốc trong miệng để làm mềm vỏ nang rồi nuốt với nước nhằm tránh hiện tượng thuốc dính ở thực quản. 

ƯU ĐIỂM:

  • Dễ nuốt do hình dạng thuôn, bề mặt vỏ nang bóng.
  • Tiện dùng và dễ bảo quản, vận chuyển vì đã được phân liều đóng gói gọn giống như viên nén.
  • Năng suất sản xuất cao
  • Tính sinh khả dụng cao do công thức bào chế thường đơn giản ít tá dược và ít tác động của các kỹ thuật bào chế so với viên nén
  • Vỏ nang thường dễ tan rã để giải phóng dược chất.

 NHƯỢC ĐIỂM:

  • Với các hoạt chất kích ứng đường tiêu hóa thì không nên đóng nang vì sau khi vỏ nang vỡ sẽ giải phóng ồ ạt dẫn đến tập trung nồng độ hoạt chất cao tại nơi giải phóng hoạt chất gây kích ứng mạnh tại điểm đó.
  • Vỏ nang dễ hỏng do nhiệt độ, độ ẩm nên khó bảo quản

Viên nang có 2 dạng chính là viên nang cứng và viên nang mềm.

Viên nang cứng

Viên nang cứng (vỏ nang cứng bao gồm 2 phần thân và nắp lồng khít với nhau) Thuốc nang cứng có vỏ nang gồm hai phần hình trụ lồng khít vào nhau, mỗi phần có một đầu kín, đầu kia hở.

Với loại nang cứng, khả năng hấp thụ nước và tan nhanh chóng trong cơ thể, giúp người uống cảm thấy dễ dàng hơn so với việc uống trực tiếp. Nang cứng thường được sử dụng để chứa các hoạt chất được bào chế ở dạng bột hay cốm nghiền nhỏ.

Viên nang mềm

Viên nang mềm (vỏ nang là một khối thống nhất, mềm dẻo dai).

Viên nang mềm được sản theo từng công đoạn sản xuất, bơm đầy và đóng với vỏ thuốc dẻo chứa thành phần gelatin.

Tùy vào hàm lượng và loại gelatin ảnh hưởng đến độ mềm dẻo và đàn hồi của vỏ nang mềm.

Nang mềm thường được sử dụng để chứa các hoạt chất được bào chế ở dạng hỗn dịch, dung dịch…

 

c) THUỐC BỘT

Thuốc bột là dạng bào chế dược phẩm rắn, gồm các hạt nhỏ, khô tơi, có độ mịn xác định, có chứa một hay nhiều loại dược chất. Thuốc bột có thể dùng để uống, để pha tiêm hay để dùng ngoài.

ƯU ĐIỂM:

  • Kỹ thuật bào chế đơn giản, không đòi hỏi trang thiết bị phức tạp, dễ đóng gói và vận chuyển. Dược chất dễ ổn định, thích hợp với các dược chất dễ bị thủy phân, dễ bị oxy hóa, dễ biến chất trong quá trình sản xuất và bảo quản.
  • Có diện tích tiếp xúc môi trường hòa tan lớn, thuốc bột dễ giải phóng dược chất do đó sinh khả dụng cao

 NHƯỢC ĐIỂM:

  • Dễ hút ẩm, không thích hợp với các dược chất có mùi vị khó chịu và kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa; Trẻ em khó uống thuốc.


***Bài viết được tổng hợp từ Wiki, Sách Kỹ Thuật Bào Chế Sinh Dược Phẩm của Bộ Y Tế và một số nguồn tin đáng tin cậy khác.