TRIỂN VỌNG CHO NGÀNH DƯỢC NĂM 2021

Ngành dược nhạy cảm với Covid nhưng đang dần hồi phục. Dịch Covid-19 là thách thức lớn đối với toàn dân, các ngành sản xuất đặc biệt là ngành dược trong trường hợp lây lan mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, mục tiêu chăm sóc sức khỏe đang là mục tiêu chính và là khoản chi tiêu thiết yếu đối với người dân. Nhu cầu dược phẩm sẽ chỉ tạm thời bị trì hoãn trong ngắn hạn và sẽ dần phục hồi trở lại.

Ước tính doanh thu dược phẩm Việt Nam năm 2021 tăng 15% so với cùng kỳ, cao hơn CARG 2015-2019 là 11,8%. Chúng tôi ước tính tiêu dùng cho y tế sẽ trở lại mức bình thường vào năm 2021, khi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và nhu cầu khám bệnh của người dân tăng trở lại. Ngoài ra, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh và thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng dài hạn của thị trường chăm sóc sức khỏe.

 Ước tính doanh thu Dược Phẩm của Việt Nam theo BMI

Chính phủ tiếp tục cải cách chính sách để hỗ trợ các công ty dược phẩm trong nước và giảm gánh nặng bảo hiểm y tế. Chính phủ Việt Nam tiếp tục sửa đổi quy định đấu thầu thuốc tại bệnh viện công, nhằm (1) khuyến khích sản xuất thuốc generic thay thế thuốc nhập khẩu đắt tiền; và (2) giảm gánh nặng tài chính lên quỹ bảo hiểm y tế, do doanh thu phí bảo hiểm đã khó bắt kịp nhu cầu chi trả bảo hiểm trong những năm gần đây.

Năm 2020, Chính phủ ban hành Thông tư 15/2020/TT-BYT thay thế Thông tư 09/2016/TT-BYT, mở rộng danh mục thuốc đầu thầu bởi bệnh viện và thuốc đấu thầu tập trung (thuốc do BHXH Việt Nam trực tiếp tổ chức đấu thầu). Do đó, giá thuốc tại kênh bệnh viện đang dần minh bạch hơn, giúp các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh với các loại thuốc nhập khẩu đắt tiền trước đây vẫn chiếm ưu thế trong bệnh viện.

Ngoài ra, Luật Dược (Chương II, Điều 7) và Thông tư 03/2019/TT-BYT quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu khi thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp, tạo ra ưu thế lớn cho thuốc nội địa

Các vấn đề và rủi ro

Môi trường pháp lý ngành biến động. Mặc dù các chính sách gần đây hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước, môi trường pháp lý cho các công ty dược phẩm vẫn còn biến động khó lường, với việc sửa đổi và ban hành từ 2 đến 5 Thông tư mới mỗi năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao trong kinh doanh.

Phụ thuộc nhiều vào nguồn API nhập khẩu. Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn API nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm 80% tổng số API nhập khẩu và 70% tổng API sử dụng trong ngành. Đây là nút thắt đáng kể về nguyên liệu, vì nếu có bất kỳ thay đổi nào từ các quốc gia này đều có thể ảnh hưởng lớn đến năng lực của các nhà sản xuất thuốc trong nước.

 

Nhìn nhận chung:

Ngành dược sẽ trở lại mạnh mẽ trong năm 2021 và các năm tiếp theo do sự đầu tư từ nước ngoài ồ ạt đổ vào cùng khả năng kiểm soát dịch bệnh tốt tại VN. Các vấn đề khó khăn về nguồn API nhập khẩu vẫn còn đó sẽ gây trỡ ngại nhưng không quá đáng kể.

 

<Bài viết được tổng hợp, sưu tầm thông tin từ SSI, BMI và Vietnam Custom>